Saturday, February 16, 2008

Hoàng Minh Chính, Một Biểu Tượng

Ý Thức Trách Nhiệm Bản Thân từ lúc mới lên....xe


--------------------------


Hoàng Minh Chính, một biểu tượng

Friday, February 15, 2008
Ngô Nhân Dụng
Cảnh công an chạy đôn chạy đáo lo ngăn chặn nhiều người đến dự đám tang cụ Hoàng Minh Chính chứng tỏ cụ là một người lúc sống đã làm cho cộng sản sợ, mà khi chết vẫn làm cho họ lo. Cụ Hoàng Minh Chính vẫn khiêm tốn không muốn ai đề cao vai trò “anh cả của phong dân chủ” như mọi người vẫn gọi cụ. Cá nhân Hoàng Minh Chính không đáng kể. Nhưng Hoàng Minh Chính đã trở thành một biểu tượng. Và đó là lý do đảng Cộng Sản Việt Nam sợ.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã tìm mọi cách ngăn cản người muốn đến dự đám tang, với những hành động lỗ mãng và tàn bạo. Họ đặt công an chìm nổi đứng canh từ cửa nhà, từ góc phố cốt đe dọa cho người ta đổi ý. Họ theo dõi và cản trở những người từ các nơi xa về Hà Nội dự đám tang. Trước hôm tang lễ một ngày mọi người còn không biết Hòa Thượng Thích Không Tánh đang ở đâu, trên con đường từ Huế ra Hà Nội để cầu siêu cho cụ Hoàng Minh Chính, người đã nhận pháp danh Chân Tâm do hòa thượng ban cho. Ngoài việc ngăn cản những người đã tranh đấu cho dân chủ tự do vẫn bị công an theo sõi sát bên hàng ngày, nhiều nhân viên cao cấp trong Bộ Công An còn đến từng nhà những người có uy tín ở Hà Nội để hỏi thăm người đó có định dự đám tang của cụ Hoàng Minh Chính hay không!
Hoàng Minh Chính đã trở thành một biểu tượng. Ông là một đảng viên cộng sản đã từng tin theo chủ nghĩa Mác Xít từ khi chưa 20 tuổi, vì tin tưởng nên gia nhập đảng Cộng Sản, tham gia kháng chiến, lập những chiến công nổi tiếng một thời như trận đánh phi trường Gia Lâm của Pháp. Cụ theo đảng Cộng Sản vì nghĩ đó là con đường duy nhất dẫn tới độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Nhưng sau cùng cụ Hoàng Minh Chính dù đã từng là viện trưởng Viện Triết Học Mác Lê-nin, đã tìm thấy sự thật, thấy rõ sau khi đã đưa đất nước vào tình trạng nghèo khổ nhất trong vùng Ðông Nam Á, đảng Cộng Sản đã chạy theo tư bản để hiện nguyên hình một nhóm tham quan ô lại chỉ lo bảo vệ quyền hành.
Hoàng Minh Chính là tiêu biểu cho những đảng viên Cộng Sản phản tỉnh, tích cực vận động cho tự do dân chủ để xóa đi một chế độ độc tài đảng trị mà mình có thời đã góp sức dựng lên. Có hàng trăm ngàn người, có thể hàng triệu đảng viên Cộng Sản cũng suy nghĩ như cụ Hoàng Minh Chính, cũng muốn đưa dân tộc thoát khỏi gông cùm chuyên chế, nhưng họ chưa thể nói lên sự thật. Chính vì thế, đảng Cộng Sản Việt Nam không muốn đám tang Hoàng Minh Chính trở thành một điểm tụ họp, không những quy tụ các nhà tranh đấu đòi dân chủ mà còn thu hút cả những đảng viên Cộng Sản lớn tuổi muốn tới chia sẻ với nhau những tâm sự vào lúc cuối .
Tại sao đảng Cộng Sản sợ một người đã chết như vậy? Vì họ sợ sự thật.
Sự thật, là những người như thuộc thế hệ Hoàng Minh Chính đã tỉnh ngộ, nhìn thấy con đường theo đảng Cộng Sản là sai lầm. Hàng trăm ngàn đảng viên Cộng Sản muốn bày tỏ ý nghĩ đó, bằng những hành động như cụ Hoàng Minh Chính, nhưng chưa có cơ hội. Ðảng Cộng Sản sợ nhất là những người thuộc thế hệ Hoàng Minh Chính, và thuộc thế hệ trẻ hơn, sẽ truyền đạt nỗi thất vọng sâu xa và niềm ân hận của họ cho thế hệ các thanh niên biết, và sinh lòng muốn tìm hiểu rõ hơn. Lớp trẻ ngày nay lớn lên sau khi cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt, đối với họ những vấn đề ý thức hệ không có nghĩa lý gì cả. Họ không thể hiểu được tấm lòng hăng hái của thế hệ Hoàng Minh Chính khi đi theo Cộng Sản, do đó họ cũng không hiểu được tâm trạng bi thương não nề của thế hệ đó khi biết mình đã bị lừa bịp khuông phò một lũ tham ô! Có một khoảng cách về truyền thông giữa lớp tuổi ông bà nội thời 1940 và thế hệ các cháu 20, 30 tuổi bây giờ. Ðảng Cộng Sản không muốn khoảng cách đó được lấp đi, nối liền lại.
Những mạng lưới tin điện tử bùng nổ trong mấy năm qua đã cho thấy người dân Việt, nhất là các thanh niên, sinh viên, không còn sợ cường quyền như thế hệ cha anh của họ nữa. Nếu không có những mạng tin và blog qua hệ thống Yahoo 360 thì chắc không ai huy động được những đám đông hàng trăm người biểu tình trước tòa đại sứ và lãnh sự Trung Quốc đòi trả lại các hòn đảo ở Hoàng Sa.
Các thanh niên, trí thức trong nước mang nhiều nỗi bất bình với chính quyền cộng sản, nhưng họ cũng chỉ nhìn thấy những tệ nạn tham nhũng, họ chán cảnh một chính quyền hèn nhát nhượng đất cho ngoại bang. Họ vẫn chấp nhận sự có mặt của một đảng và một guồng máy cai trị do thế hệ trước để lại, không dám nghĩ đến nhu cầu thay đổi. Họ không thấy cần nhìn xa về quá khứ để biết thế hệ cha mẹ, ông bà của họ đã bị đảng Cộng Sản lừa gạt ra sao cho nên mới có thảm cảnh ngày nay. Nếu những người trẻ tuổi khám phá ra tâm sự của những người như Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, cho tới lớp trẻ hơn như Hoàng Tiến, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Khải Thanh Thủy, vân vân, thì chính các thanh niên chủ trương các mạng lưới, các blog sẽ đặt câu hỏi về vai trò của đảng Cộng Sản trong lịch sử, họ sẽ tìm hiểu, và từ đó những tội lỗi của đảng Cộng Sản sẽ bị phơi bày. Ðó là một lý do đảng Cộng Sản Việt Nam tìm cách ngăn chặn để đám tang cụ Hoàng Minh Chính càng ít người dự càng tốt, để không được ai chú ý tới.
Nhưng không thế lực nào ngăn chặn được những tin tức và ý kiến lan truyền trong thời đại này. Một tờ báo trên mạng ở Việt Nam dám viết thẳng những lời bàn của ông Nguyễn Ðình Ðầu, nói rằng: “Người dân Sài Gòn có ý thức về dân chủ sớm hơn so với cả nước.”
Có thể coi đó là một ý kiến bình thường về biến chuyển chính trị trong xã hội nước ta. Nhưng phải nhìn sâu những biện giải đằng sau ý kiến đó mới thấy đây là một lời lên án chế độ Cộng Sản. Ông Nguyễn Ðình Ðầu giải thích lý do tại sao dân Sài Gòn có ý thức dân chủ sớm, ông nói, “Người Pháp dành cho Nam Bộ quy chế như một nước dân chủ.” Có ai tin được điều đó hay không? Nếu Nam Bộ thời Pháp thuộc sống như một nước dân chủ thì tại sao có Nguyễn An Ninh, có Tạ Thu Thâu, tại sao dân miền Nam lai nổi lên thành Nam Kỳ khởi nghĩa?
Người đọc có thể đoán ra một điều ông Nguyễn Ðình Ðầu không dám nói thẳng, là nhờ chế độ Việt Nam Cộng Hòa có tính chất dân chủ được áp dụng ở miền Nam trong 20 năm, cho nên tinh thần tự do dân chủ mới còn sót lại cho đến ngày nay. Và đó là một cách ngấm ngầm lên án chế độ độc tài chuyên chế đã áp dụng ở miền Bắc Việt Nam từ 1954 cho tới bây giờ. Cuộc sống người dân miền Bắc vĩ tuyến 17 chuyển từ thời Pháp thuộc sang thời cộng sản, chưa bao giờ được nếm mùi tự do dân chủ, cho nên ý thức dân chủ không thể cao bằng dân Sài Gòn.
Ðể so sánh hai chế độ Cộng Hòa và Cộng Sản, ông Nguyễn Ðình Ðầu còn nói thẳng về tình trạng con người Sài Gòn sống trong chế độ “xã hội chủ nghĩa” hiện nay: Họ thiếu ý thức tôn trọng của công, thường xuyên vi phạm luật giao thông và phá hoại vệ sinh công cộng. Ông nói, “Trước đây giao thông ở Sài Gòn trật tự, người dân đi đứng có văn hóa, con trẻ lễ phép, đi thưa về trình. Bây giờ những thói quen đó đã bị mất.”
Ai làm cho dân Sài Gòn mất những phong tục thuần nhã? Ông Nguyễn Ðình Ðầu, cũng như cụ Hoàng Minh Chính, biết câu trả lời: Chỉ vì chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh đem từ bên Nga bên Tàu về áp dụng, đã hủy hoại phong hóa dân tộc. Ngay từ năm 1975 người miền Bắc vào Nam đã nhận thấy trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trẻ em lễ phép hơn, thầy giáo cô giáo có đạo đức mô phạm hơn, công chức ít ăn hối lộ vì sợ luật pháp hơn, người bán hàng nói dối ít hơn, con người đối xử với nhau có tình có nghĩa hơn. Nhưng cũng ngay từ năm 1975, nhiều người từ Hà Nội vào Sài Gòn đã cảnh cáo: Thế nào rồi Sài Gòn cũng đuổi kịp Hà Nội - trên con đường đi xuống!
Nói như vậy không có nghĩa là ở miền Bắc mọi phong hóa, đạo lý cổ truyền đã hoàn toàn bị chủ nghĩa cộng sản tiêu diệt. Có những tấm gương trong đời sống các cụ Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà, chẳng hạn. Họ vẫn sống như các nhà Nho thủa trước, sống ngay thẳng và trong sạch suốt đời, tới khi nhắm mắt vẫn không ngừng tranh đấu cho đất nước được tốt đẹp hơn.
Bây giờ, ý thức tự do dân chủ sẽ là ngọn lửa thổi lên tinh thần tranh đấu của người dân trong nước. Trong ngày tang lễ cụ Hoàng Minh Chính, xin bày tỏ lòng kính trọng những người như cụ, đã tìm về với lẽ phải và về với nhân dân, không bám lấy quyền lợi mà đảng ban phát, thẳng thắn từ bỏ quá khứ cộng sản của mình để đòi tự do dân chủ cho tất cả mọi người Việt Nam. Cầu nguyện hương linh cụ từ nay được thanh thản bình an. Cụ đã sống suốt đời với một tấm lòng yêu nước, và cho đến cuối đời vẫn tranh đấu cho đồng bào được sống hạnh phúc hơn trong một xã hội tự do dân chủ. Mong các bạn trẻ ở nước ta sẽ tìm hiểu để lấy cuộc đời cụ làm một tấm gương noi theo. Ðược như vậy thì cụ sẽ tạo nên một biểu tượng cho tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.